image banner
Hưng Nguyên khai thác tiềm năng du lịch
Lượt xem: 588
  
Nằm ở phía tây thành phố Vinh, Hưng Nguyên là vùng đất sơn thủy hữu tình non xanh nước biếc, vốn được xem là vùng “địa linh nhân kiệt”. Hơn 5 thế kỷ qua, Hưng Nguyên được thiên nhiên ban tặng cho thế núi, hình sông thoáng đãng với nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá. Con người nơi đây cần cù lao động, giàu lòng yêu nước, có những nhân tài hào kiệt đã đi vào sử sáchnhư:Nguyễn Trường Tộ, Đinh Bạt Tuỵ, Lê Hồng Phong...Có lẽ những yếu tố đó đã để lại cho mảnh đất Hưng Nguyên nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng mà hiếm có nơi nào trên địa bàn Nghệ An lại được ưu đãi đến như vậy. Với những thế mạnh và tiềm năng, Hưng Nguyên phải làm gì để khai thác các di tích danh thắng của địa phương trở thành những điểm đến du lịch, thu hút du khách gần xa.. 

Nằm ở phía tây thành phố Vinh, Hưng Nguyên là vùng đất sơn thủy hữu tình non xanh nước biếc, vốn được xem là vùng “địa linh nhân kiệt”. Hơn 5 thế kỷ qua, Hưng Nguyên được thiên nhiên ban tặng cho thế núi, hình sông thoáng đãng với nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá. Con người nơi đây cần cù lao động, giàu lòng yêu nước, có những nhân tài hào kiệt đã đi vào sử sách như:Nguyễn Trường Tộ, Đinh Bạt Tuỵ, Lê Hồng Phong...Có lẽ những yếu tố đó đã để lại cho mảnh đất Hưng Nguyên nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng mà hiếm có nơi nào trên địa bàn Nghệ An lại được ưu đãi đến như vậy. Với những thế mạnh và tiềm năng, Hưng Nguyên phải làm gì để khai thác các di tích danh thắng của địa phương trở thành những điểm đến du lịch, thu hút du khách gần xa..

 

Lễ hội đền ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh được tổ chức hàng năm với quy mô cấp tỉnh. Đền Hoàng Mười hay còn gọi Mỏ Hạc Linh Từ” được xây dựng vào năm 1634, thờ Quan Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân và thờ các vị phúc thần như Song đồng Ngọc Nữ, đạo Mẫu tứ phủ Liễu Hạnh… Đền nằm ở vị trí cảnh quan đẹp trước mặt là dòng Lam giang như một dải lụa xanh trải rộng, sông Mộc quanh co, uốn khúc. Bên kia là núi Dũng Quyết, Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử còn in đậm. Hiện nay toàn bộ kiến trúc của đền đều mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, đền Hoàng Mười còn nổi tiếng linh thiêng và trở thành điểm du lịch tâm linh của đông đảo du khách thập phương.Mỗi năm Đền ông Hoàng Mười đón khoảng hơn 900.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng.Với quy mô và ý nghĩa về tâm linh cũng như giá trị du lịch, đền ông Hoàng Mười đã đuợc nâng cấp ngày càng khang trang. Đặc biệt, dự án bảo tồn tôn tạo và mở rộng di tích lịch sử văn hóa đền ông Hoàng Mười đang được quan tâm đầu tư xây dựng. Giai đoạn 1 của dự án với tổng kinh phí 98,4 tỷ đồng bao gồm nâng cấp khu di tích và khu dịch vụ.Về đây du khách có thể hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên, các nghi lễ truyền thống như lễ yết cáo, rước kiệu, lễ đại tế và các trò chơi dân gian: nhảy bao bố, kéo co, chọi gà, đua thuyền trên sông.



Toàn cảnh Đền ông Hoàng Mười. Ảnh: Tư liệu ( Báo Nghệ An)

 

Nếu di tích đền Hoàng Mười là điểm đến du lịch tâm linh thì nhà lưu niệm tổng bí thư Lê Hồng Phong thuộc làng Đông xã Hưng Thông là di tích lịch sử có ý nghĩa. Với mục tiêu xây dựng nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ kỷ vật về một người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng mà còn là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước cũng như tỉnh Nghệ An đã quan tâm tu bổ nhiều hạng mục quan trọng để khu lưu niệm xứng tầm là di tích lịch sử quốc gia với tổng kinh phí 250 tỷ đồng tọa lạc trên diện tích 33.000m2.Đến với di tích Lê Hồng Phong, du khách được hòa mình trong khung cảnh làng quê yên bình, tĩnh lặng. Bốn hướng khu lưu niệm là làng xóm bao bọc ẩn mình sau những lũy tre xanh, phong cảnh làng quê trù phú với ruộng lúa, bờ tre, giếng nước...Hàng năm khu di tích Lê Hồng Phong đón hơn 30.000 lượt khách về thăm, tưởng nhớ và ghi công người con ưu tú đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Nằm ven đường quốc lộ 546 trên đường lên quê Bác, khu di tích lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh 12/9 được biết đến như một biểu tượng của con người và mảnh đất Hưng Nguyên.Đây là địa danh ghi dấu ấn cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930 đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca bất diệt. Được xếp hạng di tích quốc gia năm 1988, hiện nay khu di tích lịch sử Xô viết 12/9 đang được đầu tư mở rộng thành Quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong lần thứ 2 về thăm quê năm 1961, khi dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sỹ 12-9 Bác Hồ đã ân cần dặn dò: “Máu của các liệt sỹ và quần chúng cách mạng đã đổ xuống mảnh đất này, chúng ta phải xây dựng và bảo vệ khu vực này thành một khu di tích lịch sử cách mạng”. Thực hiện lời dạy của Bác, quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh đang được xây dựng với tổng kinh phí lên đến 328 tỷ đồng bao gồm quần thể di tích lịch sử văn hóa, du lịch, nằm trên khuôn viên có tổng diện tích gần 13 ha. Tuy nhiên, dù đang được quan tâm đầu tư xây dựng trở thành 1 khu di tích có tầm cỡ nhưng nơi đây vẫn chưa được coi là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Trong tua du lịch xứ Nghệ thì di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện nay chỉ là điểm dừng chân, tham quan, thậm chí nhiều tour du lịch của du khách đã bỏ qua điểm đến Hưng Nguyên khi về Nam Đàn hay Truồng Bồn. Theo ông Lê Thanh Hưng – Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Hưng Nguyên, “Tại đây chưa xây dựng được hệ thống hướng dẫn viên du lịch, chưa có khu nghỉ ngơi, phục vụ như nhà nghỉ, nhà vệ sinh,…; kết nối tour du lịch chưa thực hiện được chưa có dịch vụ hàng hóa, sản phẩm làng nghề...mũi nhọn mang đậm dấu ấn vùng quê Hưng Nguyên”.


 

Khu di tích cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong( Hưng Thông); Ảnh Tư liệu

 

Hưng Nguyên là huyện có bề dày lịch sử văn hóa cách mạng 550 năm với nhiều di tích danh thắng chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch. Toàn huyện hiện có 250 di tích danh thắng trong đó có 33 di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia, mang đậm bản sắc dân tộc, vùng miền. Bên cạnh những di tích có ý nghĩa lớn như Quảng Trường Xô Viết nghệ Tĩnh, khu lưu niệm Lê Hồng Phong thì nhiều địa danh, di tích lịch sử của Hưng Nguyên cũng đã đi vào trang sử của dân tộc như núi Lam Thành, đền Vua Lê, di tích Nguyễn Trường Tộ, Đinh Bạt Tụy, quê hương bà ngoại Bác Hồ; quê tổ Vua Quang Trung; quê tổ Nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu... Có thể khẳng định tiềm năng du lịch ở Hưng Nguyên là khá lớn nhưng chưa được khai thác tốt. Các yếu tố: sản phẩm du lịch, hạ tầng du lịch và cơ chế về phát triển du lịch chưa được đầu tư xứng tầm. Lợi thế về các di tích lịch sử văn hóa cách mạng chưa được Hưng Nguyên đầu tư khai thác để thu hút các tour du lịch trong hành trình tìm về xứ Nghệ. Khó khăn nhất trong hoạt động du lịch ở Hưng Nguyên là chưa tạo được điểm nhấn để thu hút du khách. .. Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cấp, tôn tạo chưa xứng tầm với các di tích; công tác tổ chức các lễ hội chưa quan tâm gắn với phát triển du lịch, nhất là gắn kết các tour du lịch trong tỉnh; ngoài ra huyện vẫn chưa xây dựng được một số sản phẩm, đặc sản quê hương hấp dẫn du khách mỗi khi về với Hưng Nguyên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hưng Nguyên lần thứ XXVIII đã chỉ rõ: "Phát triển du lịch là một trong những lĩnh vực để Hưng Nguyên khai thác thế mạnh; lấy quy hoạch phát triển không gian đô thị thành phố Vinh về phía Tây để làm định hướng, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp- dịch vụ, du lịch, đưa tỷ trọng đạt trên 80%". Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông tốt và hệ thống danh lam thắng cảnh, di sản lịch sử văn hóa đa dạng, Hưng Nguyên cần phải có chiến lược cho phát triển ngành du lịch:

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch và chức năng quản lý Nhà nước theo quy hoạch. Quy hoạch các điểm có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trên địa bàn huyện, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thông tin để hỗ trợ các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư khai thác du lịch

- Khôi phục, nâng cấp, mở rộng quy mô các lễ hội dân gian truyền thống có từ xa xưa trên địa bàn, nhất là lễ hội như Lễ hội đền Ông Hoàng Mườilễ hội đền Thanh Liệt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia …

- Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng quê phục vụ khách du lịch cũng là một giải pháp như cam Xã Đoài, chanh tứ mùa Hưng Yên, bánh cà, rượu nếp Hưng Tân, bánh gai, kẹo lạc Hưng Châu, dầu lạc Hưng Xuân hay những món ăn dân giã như đặc sản cá sông và nhất là món rươi bổ dưỡng của vùng quê Hưng Nhân, Hưng Châu, Hưng Lợi; đồng thời tổ chức lựa chọn, xây dựng các dự án làng nghề du lịch trọng điểm.

Đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, xã hội hóa các nguồn lực để xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; đồng thời huy động các nguồn lực của huyện, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương và nguồn vốn các doanh nghiệp trong và ngoài huyện để tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thương mại.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn với các loại hình dịch vụ tiện ích, phong phú đa dạng. Xây dựng chương trình văn hóa ẩm thực đặc sắc, đặc trưng nhằm tạo điều kiện cho du khách nâng cao chất lượng tour du lịch.

- Xây dựng nội dung để thuyết minh, hướng dẫn ở các khu du lịch, điểm tham quan phù hợp với giá trị lịch sử, văn hóa và đặc thù của từng khu, điểm du lịch nhằm tạo sự đa dạng, liên hoàn, hấp dẫn, góp phần tăng thời gian lưu trú của khách du lịch.Đồng thời xây dựng thông tin về dịch vụ và giá cả hàng hóa trên Cổng thông tin điện tử huyện và hệ thống thông tin đại chúng để phục vụ du khách.

Phối hợp tổ chức và tham gia các hội chợ, các lễ hội du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương.

- Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh và xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, để khai thác tốt tiềm năng du lịch của một vùng quê ven đô, Hưng Nguyên cần phải tập trung đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó, huyện Hưng Nguyên cũng cần có chủ trương xã hội hóa du lịch; Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh tế du lịch, xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển du lịch, nhằm khai thác tốt tiềm năng, hướng tới sự phát triển du lịch một cách có hiệu quả và bền vững./.

 

 

Kiều Hoa- Nguyễn Thu

 

BẢN ĐỒ XÃ HƯNG THÔNG - HUYỆN HƯNG NGUYÊN
image
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HƯNG THÔNG
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Văn Thìn - Phó Bí thư thường trực

Trụ sở: Xã Hưng Thông - Huyện Hưng Nguyên - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại:  (0238) 3821470  - Email:  ubndxahungthong@gmail.com